TRUNG TÂM NGÓN TAY GIẢ ASIA SILICON VIỆT NAM

Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội

Hotline: 0917645333

Người phụ nữ chuyên làm ngón tay giả cho cựu mafia Nhật - Ngón tay giả Asia

30/05/2019 Lượt xem: 900

Hơn chục năm qua, Yukako Fukushima đã giúp nhiều cựu thành viên các băng đảng mafia Nhật tái hòa nhập cộng đồng bằng cách làm những ngón tay giả giống như thật cho họ.

Yukako Fukushima đã giúp nhiều cựu thành viên yakuza tái hòa nhập cộng đồng hơn 10 năm qua. Ảnh: Emiko Jozuka.

Theo Motherboard, vào những năm 90, khi Mike nhìn thấy một phòng khám chuyên làm ngón tay giả đăng quảng cáo trên báo, ông nghĩ đó chỉ là trò bịp bợm. Tuy nhiên, cựu thành viên băng đảng mafia Nhật Bản (yakuza) này vẫn đặt lịch hẹn. 10 năm qua, ông sống thiếu ngón út tay trái. Ngón tay là minh chứng lòng trung thành của ông với thế giới tội phạm và ngăn cản ông hoàn lương.

Ý tưởng về ngón tay giả nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng với ông nó thật quý giá. Nó giúp ông che đậy quá khứ và chống chọi với định kiến xã hội về cựu thành viên yakuza.

"Tôi không chắc liệu nó có giúp ích cho tôi không, nhưng tôi thực sự muốn gặp gỡ mọi người mà không phải lo sợ họ nghĩ gì về mình", Mike nói.

"Yubitsume" có nghĩa là chặt ngón tay. Đây là một hình thức tự phạt man rợ mà thành viên băng đảng yakuza phải thực hiện để chuộc lỗi. Hình phạt này bắt nguồn từ những năm 1700. Khi đó, kẻ thua bạc sẽ phải chấp nhận chặt đứt một đốt ngón tay như một hình thức trả nợ. Người ta chọn ngón út ở bàn tay trái vì khi mất nó rồi, kẻ bị phạt khó mà cầm chắc kiếm và vì thế sẽ yếu đi.

Đến thế kỷ 20, các băng đảng yakuza cũng áp dụng hình thức tự phạt này. Khi một thành viên yakuza cấp thấp vi phạm luật lệ băng đảng và có thể bị thành viên cấp cao hơn trừng phạt, anh ta sẽ dùng dao chặt đứt đốt trên cùng của ngón út tay trái.

Một khảo sát của chính phủ năm 1993 cho thấy 45% thành viên yakuza từng bị chặt ngón tay và ít nhất 15% trải qua hình phạt này đến hai lần. Đốt ngón tay bị chặt sẽ được bọc vải và nộp cho ông trùm băng đảng như một cách thể hiện sự hối lỗi. Nếu tái phạm, anh ta sẽ cắt tiếp các đốt còn lại của ngón tay trái trước khi chuyển sang ngón phải. Hình phạt cuối cùng là cái chết.

Những năm gần đây, do có sự chia rẽ trong nội bộ các băng đảng yakuza và sự giảm dần về số lượng thành viên mà hình phạt này cũng ít được thực hiện. Tuy nhiên, những người bị mất ngón út khó mà che dấu quá khứ tội lỗi, và ở một đất nước nơi mà định kiến về các băng đảng yakuza còn nặng nề như Nhật Bản thì một thứ rất nhỏ như ngón tay giả cũng phần nào giúp các cựu thành viên yakuza tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là anh ta có thể vĩnh viễn rời xa thế giới tội phạm.

Mike không biết trước điều chờ mình ở phòng khám. Ông hình dung ra một loạt các thủ tục phiền hà mỗi khi đi làm giấy tờ tại văn phòng thành phố Osaka. Thế nhưng, khi đến nơi, ông lại nghe thấy những tiếng quát tháo rất to và ngạc nhiên khi trông thấy một phụ nữ trẻ tầm 20 tuổi tóc tai bù xù ra đón.

Người phụ nữ đó là Yukako Fukushima. Ngoài các bộ phận giả khác, hơn 10 năm qua, cô đã tạo nên hàng trăm ngón tay giả cho các cựu thành viên yakuza mong muốn từ bỏ cuộc sống giang hồ và tìm một công việc tử tế. Thường thì mỗi ngón tay giả có giá 180.000 yên (khoảng 1.490 đôla Mỹ), nhưng những cựu thành viên yakuza có khó khăn về tài chính sẽ được giảm giá.

Fukushima hiện 30 tuổi. Cô có dáng người nhỏ nhắn, miệng rộng và giọng cười rất vang. Cô sinh ra ở Osaka, miền nam Nhật Bản. Đây là địa bàn của băng đảng yakuza lớn nhất Nhật Bản có tên là Yamaguchi gumi. Cách đây 20 năm, khi nền kinh tế Nhật Bản ở giai đoạn hưng thịnh, các băng đảng yakuza hoạt động mạnh mẽ khắp cả nước. Ẩu đả diễn ra thường xuyên gần phòng khám đầu tiên của cô ở thị trấn Tezukayama (nay là khu dân cư cao cấp).

"Họ từng ném thuốc nổ vào ngôi nhà gần chỗ tôi ở", Fukushima kể.

Fukushima đam mê nghệ thuật và điêu khắc từ khi còn nhỏ và tự học cách chế tạo chân tay giả. Cô tình cờ phát hiện ra công việc này vào một ngày hè. Hôm đó, Fukushima trông thấy một người đàn ông dùng tấm khăn lớn che kín cơ thể tại phòng khám nơi cô đang theo học.

"Tôi hỏi ông ấy tại sao lại quấn khăn kín người như vậy trong khi trời thì rất nóng", Fukushima kể lại. Người đàn ông liền cho cô xem những vết sẹo lớn do bỏng khắp người và mặt. Cô phát hiện ông ta không còn tai. Fukushima quyết định phải làm gì đó để giúp người đàn ông này. Cô làm cho ông ta hai tai giả và một mặt nạ để che phần dưới khuôn mặt.

Tài năng của Fukushima được nhiều người biết đến. Cô nhanh chóng khởi nghiệp với việc chế tạo chân tay giả cho mọi người, kể cả các thành viên yakuza. Cô chăm chỉ đọc sách và tìm hiểu về mỹ phẩm để có thể tạo ra các bộ phận giả trông giống như thật.

"Tôi tự học nghề chế tạo chân tay giả từ khi 21 tuổi. Khi đó chưa có Internet nên việc tìm kiếm thông tin về nghề này rất khó. Tôi nghĩ khách hàng hồi đó chính là thầy giáo của tôi", Fukushima nói.

Cô không ngại làm ngón tay giả cho các cựu thành viên yakuza đầu thập niên 90 dù định kiến xã hội đối với họ còn rất nặng nề.

"Thực ra thì tôi cũng không tài giỏi lắm đâu, chỉ là làm theo cảm hứng thôi. Tôi thấy mọi người cần giúp đỡ", cô nói.

10 năm sau, Mike, người đàn ông ít nói với bộ dạng đáng sợ đang ngồi thư thái bên tách cà phê bốc khói tại phòng khám hiện tại của Fukushima mang tên Kobo Arte Kawamura Gishi. Phòng khám nằm lọt thỏm trong một con phố nhỏ gần một khu chợ tấp nập ở thành phố Osaka. Các bộ phận giả nằm rải rác khắp phòng.

"Tôi tự hỏi tại sao khi đó cô ấy lại quát tháo giận dữ như vậy", Mike nói khi quay về phía Fukushima đang ngồi bên trái ông. "Tôi sợ mình đang dính vào một vụ rắc rối".

Khi đó, nhiều khách hàng khác cũng là thành viên yakuza tưởng Fukushima là trùm sò của một băng đảng nào đó và sợ rằng họ sắp tiêu đời.

"Thời đó làm gì có nhiều phụ nữ làm nghề này. Tôi đoán các vị khách đó không nghĩ rằng lại chỉ có một người tiếp họ mà thôi", Fukushima vừa nói vừa cười rất sảng khoái. "Lúc đó tôi có giận dữ gì đâu. Chỉ là tôi vốn dĩ nói to và hay nói ra những gì mình nghĩ".

Kể từ khi được Fukushima làm cho ngón tay giả đầu tiên vào năm 32 tuổi, Mike đã theo cô suốt dù phòng khám chuyển đi chuyển lại đến ba lần. Cứ đến tháng 12, ông lại ghé qua phòng khám của cô để kiểm tra ngón tay giả. Đó cũng là dịp họ tâm sự về cuộc sống với nhau.

Mike gia nhập yakuza khi mới 20 tuổi. Ông gia nhập vì tiếng tăm của nó chứ không biết nhiều về cuộc sống giang hồ thực sự. Chỉ ba năm sau, ông nhận ra mình muốn thoát khỏi đó.

Mike nhờ bạn cắt đốt trên cùng của ngón út để chuộc tội không giữ lời hứa và tìm cơ hội tránh xa thế giới yakuza. Thường thì các thành viên yakuza phải tự cắt ngón tay mình, nhưng đôi khi họ cũng có thể nhờ người khác giúp đỡ.

Mike không giải thích tình huống khiến ông hành động như vậy. Ông chỉ nói rằng không ai ra lệnh cho ông làm vậy; ông chỉ cảm thấy đó là việc phải làm mà thôi.

"Tôi không thấy đau, có lẽ là nhờ thuốc tê", ông nói. Mike hy vọng có thể làm lại cuộc đời.

"Tôi muốn làm việc và sống cuộc sống bình thường. Tôi biết nếu không có ngón út, người ta sẽ kỳ thị, còn tôi khó mà sống và làm việc được".

Tuy nhiên, việc hoàn lương không dễ dàng chút nào với những người như ông. Không tìm được việc, ông phải gia nhập một tổ chức cánh hữu của Nhật và dành những năm còn lại của tuổi 20 làm công việc hô hào khẩu hiệu cho những tư tưởng cực đoan.

Dưới ánh sáng dịu trong phòng khám của Fukushima, chúng ta phải nhìn kỹ mới phát hiện ra ngón tay của Mike là giả. Những bộ phận cơ thể giả mà Fukushima tạo ra đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng và phù hợp màu da của họ.

Ngón tay giả của Mike trông chẳng khác gì những ngón còn lại. Thứ mà phần lớn cựu thành viên yakuza cần trước tiên khi tham gia phỏng vấn xin việc là ngón tay giả vì họ thường đặt tay lên đùi khi ngồi. Ngón tay giả cũng phải thay đổi màu sắc cho thích hợp khi người dùng nó tham gia vào các sự kiện khác như tiệc tùng. Khi hạ tay, máu chảy về phía bàn tay nên ngón tay sẽ hồng hơn. Khi giơ tay, máu chảy ngược phía bàn tay nên ngón tay sẽ nhạt màu hơn.

Fukushima sẽ tư vấn cho khách hàng rồi lấy mẫu và chọn màu cho ngón tay trước khi làm khuôn và tô màu. Cô sẽ không cho khách hàng biết chất liệu được sử dụng mà chỉ nói rằng cô dùng màu đỏ, xanh dương và vàng để tạo nên 1.000 màu da khác nhau.

Các ngón tay giả được làm rất cẩn thận để lỡ khách hàng có làm xước thì lớp còn lại không bị khác màu. Mất hai tháng để tạo ra một ngón tay giả. Ai cũng muốn được làm nhanh nhưng Fukushima giữ nguyên tắc không nhận hối lộ.

Mike có hai ngón tay giả: một có màu nhạt dùng cho mùa đông và cái kia màu sậm hơn cho mùa hè.

Ngón tay giả giúp các cựu thành viên yakuza cảm thấy tự tin khi đi ra ngoài. Ảnh: Emiko Jozuka.

Khởi đầu gian khó

Khi Fukushima bắt đầu công việc chế tạo chân tay giả, cô không nghĩ rằng lượng thành viên yakuza tìm đến cô sẽ tăng đều đặn như vậy. Cô là một trong số những người đầu tiên làm nghề này mà lại là nghề chủ yếu dành cho nam giới.

Mặc dù trong xã hội còn nhiều định kiến nặng nề về yakuza, nhưng cô không ngại làm việc với họ. Tuy nhiên, cô cũng gặp phải không ít khó khăn khi tiếp xúc ban đầu.

"Còn rất nhiều định kiến về yakuza. Thậm chí tôi từng cho rằng họ có rất nhiều tiền", Fukushima nói. "Thế nhưng tôi đã gặp những khách hàng quỵt tiền hoặc chỉ trả sau khi xong việc. Tôi đã bực mình đến mức hỏi họ thế quái nào mà họ không chịu trả tiền cho tôi, cứ như thể tôi đã không đối xử tốt với họ như với những khách hàng khác".

Hóa ra nhiều khách hàng từng là thành viên yakuza bị lột sạch tiền khi rời bỏ băng đảng, và không thể kiếm được việc làm chỉ vì bị mất ngón tay.

"Khi đó tôi không biết được rằng các thành viên yakuza sau khi rời bỏ băng đảng tội phạm không có nhà ở và thường bị săn lùng bởi các thành viên khác. Vì thế họ khó mà trở về cuộc sống đời thường", Fukushima nói. Cô giải thích rằng các ông chủ không dám mạo hiểm thuê những người từng là thành viên yakuza vì sợ rắc rối.

Vào đầu thập niên 90, khi Fukushima bắt đầu nghề này, xã hội vẫn chưa chấp nhận những người từng là thành viên yakuza có mong muốn hoàn lương. Cộng đồng cũng chưa mấy đồng cảm với những khó khăn mà những cựu thành viên yakuza gặp phải.

Ban đầu, ngay cả Yukushima cũng bị cảnh sát địa phương điều tra vì nghi ngờ cô câu kết với các băng đảng tội phạm. Nhưng từ khi Luật chống tổ chức xã hội đen được thi hành vào tháng 3/1992 thì tình hình được cải thiện. Tháng 12/1992, cảnh sát Osaka còn lập cả mội hội đồng hỗ trợ các cựu thành viên yakuza.

Fukushima cho biết, người dân có thái đội khác nhau đối với những người tự gây thương tích cho mình một cách có chủ ý và những người bị thương do tình huống nằm ngoài kiểm soát của họ.

"Nếu anh bị mất ngón tay do tai nạn, người ta sẽ thông cảm với anh. Nhưng nếu anh tự cắt ngón tay mình, chẳng ai thương cảm anh cả. Suy cho cùng thì các cựu thành viên yakuza tìm đến phòng khám của tôi dùng ngón tay giả vì người khác, trong khi những người bị mất ngón tay do tai nạn lại làm điều đó vì mình", Fukushima giải thích. "Đó là khác biệt thực sự trong suy nghĩ giữa con người và xã hội, trong quan niệm về nỗi sợ và sự cảm thông".

Fukushima cho rằng việc tạo ngón tay giả cho các cựu thành viên yakuza không có nghĩa họ có thể rời xa thế giới tội phạm, nhưng điều này giúp họ tái hòa nhập xã hội và chí ít động viên họ nỗ lực hoàn lương. Vì thế, cô chấp nhận giảm giá và cho phép họ trả góp hàng tháng sau khi tìm được việc.

Năm 2014, Fukushima được ủy ban bình đẳng giới của chính phủ Nhật trao tặng giải thưởng Women’s Challenge Award vì nỗ lực giúp đỡ các cựu thành viên yakuza hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng. Từ khi được trao giải, cô nhận thấy những thay đổi lớn trong dư luận và phản ứng của gia đình về công việc mà cô đang làm.

"Bố mẹ, bạn bè và người yêu cũ suốt ngày rầy la tôi. Chúng tôi đã định kết hôn, nhưng rồi anh ấy không thể chấp nhận công việc của tôi nên chúng tôi chia tay", Fukushima kể. Giờ thì cô đã kết hôn và có con. "Mọi người hiểu hơn về công việc của tôi".

Nhưng không phải mọi thứ lúc nào cũng dễ dàng. Fukushima từng gặp phải những thành viên yakuza nổi xung lên khi tranh luận về công việc của cô và thậm chí đe dọa cô. Một số khác thì sẵn sàng trả thêm tiền cho cô để cô làm nhanh cho họ. Nhưng cô kiên quyết giữ vững nguyên tắc của mình.

Trong nhiều năm qua, Fukushima đã trải qua biết bao giây phút vui buồn lẫn lộn. Cô vui mỗi khi biết tin khách hàng của mình đã đoạn tuyệt với thế giới yakuza nhưng buồn khi mọi thứ không diễn ra như ý.

"Có khách hàng tìm đến tôi và nói rằng anh ta chuẩn bị kết hôn với người mà anh yêu. Anh ta không muốn bố mẹ người yêu biết về quá khứ của mình", Fukushima kể. "Vài tháng sau, anh ta gọi điện báo rằng lễ đính hôn của họ bị hủy và bố mẹ cô gái bắt con phá thai".

Yukako Fukushima kiểm tra ngón tay giả cho Mike. Ảnh: Emiko Jozuka.

Nhờ có sự giúp đỡ của Mike và mạng lưới các cựu thành viên yakuza mà Yukushima đã giới thiệu cho nhiều người khác tìm đến tổ chức hỗ trợ nơi họ được tư vấn và tìm được việc.

Tuy vậy, con đường hoàn lương không dễ dàng với tất cả mọi người. Cũng có những khách hàng lại lầm đường lạc lối. Thi thoảng, Fukushima lại nhận được thư từ khách hàng cũ đang ngồi tù xin lỗi vì lỗi lầm của họ.

"Không dễ có được mọi thứ hoàn hảo, nhưng nếu anh có thể giúp một người, người đó có thể có cuộc sống gia đình hạnh phúc theo cách nào đó", Fukushima nói.

"Nếu tôi làm được mười ngón tay giả và dù chỉ có một trong số chủ nhân của chúng có thể hoàn lương thì cũng đủ để tôi có động lực tiếp tục công việc của mình".

Tại phòng khám, Mike đeo lại ngón tay giả.

"Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi đeo ngón tay giả này", ông nói. "Tôi đeo nó cả ngày".

Mike gắn bó với ngón tay giả đến mức ông quên tháo nó ra, khiến nó nhanh bị rão. Ông vẫn giữ làm kỷ niệm ngón tay giả đầu tiên mà Fukushima làm cho ông.

"Tôi vẫn giữ ngón tay giả ấy", Mike vừa cười vừa nói. "Trông nó tệ lắm rồi".

Theo: http://tintucnong.org/nguoi-phu-nu-chuyen-lam-ngon-tay-gia-cho-cuu-mafia-nhat-16342.html

Trung tâm ngón tay giả Asia silicon Việt Nam.

0917.645.333


Zalo chát Zalo: 0917 645 333